Chào mừng bạn đến với blog chia sẽ gtvttw4.edu.vn trong bài viết về Giống nhưng chung một giàn chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm chuyên sâu của mình cung cấp kiến thức chuyên sâu dành cho bạn.
Tổng hợp những bài làm văn giải thích câu ca dao “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” hay nhất của các bạn học sinh giỏi văn đạt điểm cao. Mời các bạn đọc tham khảo và dựa vào đây viết cho mình một bài văn giải thích cho câu ca dao thật hay. Chúc các bạn luôn luôn học tập tốt.
Giải thích câu ca dao: Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn – Bài làm 1
Việt Nam là một đất nước từ lâu đời đã có truyền thống tương thân, tương ái, mọi người luôn quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau. Truyền thống tốt đẹp đó được phản ánh nhiều trong thơ văn, đặc biệt là trong ca dao – dân ca. Một trong số đó, chúng ta không thể không nhắc đến những câu ca dao đã trở nên quen thuộc với biết bao thế hệ người dân Việt Nam:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Thật vậy, ca dao – dân ca là lời ăn tiếng nói hằng ngày của người dân lao động. Qua đây, cha ông ta muốn gửi gắm biết bao bài học nhân sinh quý giá ở đời. Thế nên, ca dao – dân ca luôn có tiếng nói đa nghĩa, ẩn dụ. Hai câu ca dao này cũng vậy. Tầng nghĩa thứ nhất, người đọc có thể hiểu đó là bài ca dao nói về mối quan hệ giữa bầu và bí, hai loại quả quen thuộc trong dân gian. Cả hai đều là họ nhà cây leo. Bầu và bí là hai giống cây khác nhau nhưng thường được người nông dân trồng chung trên một rẻo đất ở bờ ao, góc vườn; thường leo chung trên một giàn. Vì thế bầu và bí trở nên gần gũi, thân thiết. Cùng chung một điều kiện sống, cùng chung số phận, cho nên bầu và bí đừng vì lí do nào đó mà xa rời nhau. Bầu chớ chê bí xấu hơn bầu, bí cũng chớ vì hoa bí thì vàng còn hoa bầu thì trắng, quả bí thì dài, quả bầu thì tròn để rồi ganh ghét, xa lánh nhau. Vì sao vậy? Bầu và bi tuy hai giống khác nhau nhưng cùng chung một họ. Mưa thuận gió hoà, bầu bí chung hưởng. Gặp khi nắng hạn, bầu bi cùng chịu đựng. Nếu chẳng may gặp cơn gió bão, thân bí giập, quả bí rụng, có lẽ nào bầu một mình tươi tốt như xưa?
Ngoài tầng nghĩa tường minh ấy, bài ca dao có ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc. Đó là mượn chuyện bầu bí để nói chuyện con người, chuyện cuộc đời. Ông cha ta đã cho con cháu một lời khuyên chân thành, kín đáo mà thiết tha, tế nhị: Người với người cùng sống trong một xã hội, hít thở một bầu không khí,… thì hãy yêu thương lẫn nhau, đùm bọc lẫn nhau, đoàn kết với nhau.
Vậy, vì sao phải đoàn kết, yêu thương trong cộng đồng? Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh rằng là trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ khi cả dân tộc ta nắm tay nhau quyết hi sinh tất cả để giành độc lập và bảo vệ non sông nước nhà chúng ta đã chiến thắng mọi thế lực hùng mạnh nhất. Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa nhưng những mất mát do chiến tranh và thiên nhiên để lại vẫn luôn luôn cần được mọi người giúp đỡ. Thật vậy, khi cả dân tộc ta hướng về miền Trung, về miền núi hay hải đảo xa xôi thì có rất nhiều những mạnh thường quân, những con người đã không tiếc tiền bạc công sức của mình để chung tay cùng nhau vượt qua khó khăn.
Trong ca dao tục ngữ cũng có nhiều bai khuyên con người phải đoàn kết, yêu thương nhau:
“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại thành hòn núi cao”
Quả thực, sức mạnh của tình thương, của sư đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau đã được thực tế chứng minh tính đúng đắn của nó. Dân tộc Việt Nam chúng ta với những truyền thống tốt đẹp đó đã chiến thắng biết bao kẻ thù xâm lược, dành độc lập – tự do và xây dựng được một xã hội văn minh, tốt đẹp như ngày hôm nay.
Yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, nhân dân ta và truyền thống này cần phải được phát huy không những ở thế hệ ngày nay mà còn phải duy trì đến tận mai sau vì đây là đạo lí cốt lõi của con người, thể hiện lòng nhân giữa người với người. Trong thời đại ngày nay, khi xã hội toàn cầu hóa chúng ta có thể hiểu nghĩa rộng hơn của câu ca dao trên là cũng là loài người sống trên trái đất chúng ta phải biết yêu thương nhau, chia sẻ với nhau để chiến tranh không còn và xã hội ngày càng phát triển. Câu ca dao là lời dạy ấm áp tình người, khuyên chúng ta biết bỏ đi cái vị kỷ cá nhân để mở rộng tấm lòng yêu thương.
Vậy, những hành động như thế nào là thể hiện đúng với lời khuyên của bài ca dao? Chúng ta nhận thấy, có biết bao hành động thể hiện tinh thần giúp đỡ tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách trong xã hội cần được phát huy. Đó là quên góp, giúp đỡ đồng bào bị lũ lụt; chương trình kế hoạch nhỏ ủng hộ quần áo, sách vở cho trẻ em nghèo; hay là xây dựng những căn nhà tình thương cho các bà mẹ liệt sĩ, các cụ già neo đơn… Có biết bao những hành động thể hiện tình yêu thương, nhân ái giữa người với người trong cuộc sống. Mỗi người chúng ta cần phải nhận thức được rằng bằng những hành động và việc làm cụ thể như thế này là chúng ta đang góp phần làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn.
Xem thêm:: Top 10+ font chữ đẹp bảng chữ cái – Nghề Content
Tục ngữ, ca dao Việt Nam cũng có nhiều câu khuyên nhủ mọi người nên sống yêu thương, đoàn kết, tiêu biểu nhất là câu:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Cho dù cuộc sống ngày một thay đổi, con người hiện đại chú ý nhiều đến cái riêng, đến cá nhân mình những truyền thống đoàn kết, nhân ái vẫn có giá trị trường tồn. Là một học sinh THPT đang ngồi trên ghế nhà trường, bản thân tôi tự nhận thức được rằng những hành động nhỏ bé thể hiện tấm lòng tương thân, tương ái, yêu thương, giúp đỡ những bạn học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống là một việc làm vô cùng ý nghĩa. Và tôi hi vọng rằng, trong cuộc sống này, sẽ có nhiều hành động ý nghĩa như vậy được thực hiện để cho cuộc sống trở nên nhân văn hơn.
Giải thích câu ca dao: Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn – Bài làm 2
Là một đất nước giàu truyền thống nhân đạo, những giá trị tinh thần đạo lý lâu đời, hoàn toàn tự hào về những gì chúng ta được dạy, tiếp thu để trở thành những con người vừa biết hoàn thiện bản thân thông qua sự học hỏi, sự giúp đỡ, quan tâm đến cộng đồng đưa đất nước phát triển bền vững, hạnh phúc hơn. Có thể nói, qua câu ca dao “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” ta càng thêm thấm thía rõ hơn về những điều ấy.
Câu ca dao đã xuất hiện trong những lời ru ơi à, những lời nói dặn dò trong khi ta nằm nôi, nó theo ta đến khi trưởng thành, chắc hẳn chẳng có ai quên được. Nó nhẹ nhàng mà lắng sâu, thấm đượm nghĩa tình ta dễ dàng hiểu được, trong câu ca dao có nhắc đến mối liên hệ giữa hai loại quả quen thuộc Bầu và Bí, chúng đều cùng thuộc một họ, tuy nhiên dù tất cả đều biết chúng thực sự “khác giống” nhưng lại “chung giàn” được tưới tắm, che chở nhau, vươn lên mà sống, nên vẫn có trường hợp ta hơi khó để phân biệt chúng- hái nhầm, mua nhầm, nhưng tất cả chúng đều đáng trân trọng vì là thứ quà để ta ăn, bổ mát, có dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho con người.Với việc sử dụng linh hoạt từ ngữ biểu cảm, “bầu ơi”, một cách êm ái, ngọt ngào, làm cho chúng ta cảm thấy dễ nghe, toát lên được sự trân trọng của nhân dân như để thuyết phục.
Nhưng có lẽ nếu chỉ nằm lại ở nghĩa đen, câu ca dao sẽ chẳng thể truyền được rộng ra như hiện nay. Nghĩa bóng của nó chính là nằm ở sự sâu sắc của tình thương đồng loại, trong sự “tương thân tương ái”, giúp đỡ trong cộng đồng người để bớt khó khăn, để đưa diện mạo của toàn xã hội đi lên.
Chúng ta sinh ra, lớn lên trong sự che chở đùm bọc của nhiều người thân, xa hơn nữa nằm trong tập thể gồm rất nhiều con người, lý giải cho ta vì sao ta khó có thể dễ dàng điểm qua hết những mối quan hệ ta có trong cuộc sống từ nhỏ đến lớn. Tất cả chúng ta cùng đoàn kết lại để hướng tới mục tiêu chung tạo ra một cộng đồng đoàn kết, hợp tác.
Chúng ta sinh ra trong may mắn được xinh đẹp, đầy đủ điều kiện phát triển bản thân, ta yêu quý bản thân ta lắm, những tưởng ta hoàn toàn có khả năng chinh phục một mình được những thử thách ngoài kia, sẵn sàng thành công. Nhưng điều đó là sai lầm, bởi chúng ta chẳng ai có thể mạnh mẽ, sống tách ra được khỏi cộng đồng chung, nếu như vậy có lẽ ta sẽ đơn độc, khó khăn biết nhường nào, những bất ngờ cuộc sống có rất nhiều, nếu như không có sự giúp đỡ từ người khác, chắc hẳn sẽ không có ta được như ngày hôm nay, nên dù nhìn lại chặng đường đã đi qua, hay con đường phía trước, thậm chí là thực tại bạn vẫn có những người bạn, người thân xung quanh giúp đỡ, trò chuyện để nghe những lời khuyên, sự động viên, sự giúp đỡ,… nên hãy trân trọng điều đó dù nó có ít hay nhiều.
Có thể nói trên nhiều khía cạnh, sẽ không thiếu những ví dụ nói về “sự tương thân tương ái”, sự khuyên nhủ nhẹ nhàng như câu ca dao kia, hay những câu tục ngữ “lá lành đùm lá rách”,… nó hiện hữu ngay trong chính cuộc sống của chúng ta, ta dễ dàng bắt gặp, như vừa qua có những mảnh đời cơ nhỡ, những trẻ em suy tim cần được quyên góp, giúp đỡ để các em có thể vượt qua bệnh tật, trở lại sinh hoạt bình thường, hưởng những nhu cầu tối thiểu của một con người từ cộng đồng. Những em nhỏ cõng bạn đi học vượt ngàn cây số, những nhà tình thương, những đợt hiến máu nhân đạo cứu người, những đợt từ thiện cho vùng bão lũ miền Trung có hàng ngàn thanh thiếu niên, những người trong xã hội quan tâm, chia sẻ,.. những con người vẫn đang thầm lặng hy sinh cho cuộc sống tốt đẹp hơn dù họ mù, họ tàn tật nhưng họ vẫn vượt lên số phận để truyền những thông điệp tình yêu cuộc sống đến cho cộng đồng như thầy Nguyễn Ngọc Kí,…để rồi nhận được bao nhiêu sự ngưỡng mộ, học tập, giúp đỡ từ cộng đồng,…Như trong chiến tranh, nếu không có sự đùm bọc, chi viện nhiệt tình từ miền Bắc vào miền Nam, rồi lại sự hợp tác, quyết trí, sự góp sức, nhường cơm sẻ áo, qua câu “một nắm khi đói bằng một gói khi no” của Hồ Chủ Tịch,… thì liệu ta có thể có chiến thắng nhanh, đáng tự hào, vang dội đến tận bây giờ.
Câu tục ngữ là lời nhắc nhở mỗi người chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ, cần rèn luyện ngay trong chính cuộc sống của bản thân mình, sống sao cho đúng với thông điệp câu tục ngữ. Chưa nói gì to tát, vì tất cả đều phải bắt nguồn từ những điều nhỏ, hãy làm việc vừa sức, biết nhìn trước ngó sau, thông cảm, giúp đỡ người xung quanh một cách tự nguyện, chân thành, hết sức, rèn đức tính đó cũng là một cách để giữ gìn truyền thống nhân đạo quý báu của dân tộc.
Giải thích câu ca dao: Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn – Bài làm 3
Việt Nam là một dân tộc giàu truyền thống với bốn nghìn năm văn hiến. Ông cha ta khi xưa đã tạo ra một kho tàng ca dao tục ngữ giàu có mang đầy ý nghĩa nhân văn nhưng cũng rất đỗi gần gũi với đời sống thường ngày. Trong đó, những câu ca dao về sự đoàn kết dân tộc luôn luôn khắc sâu trong mỗi người Việt, là nguồn cổ vũ động viên lớn lao trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Không thể không kể đến câu ca dao “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Ta thường thấy những hình ảnh gần gũi giản dị trong các câu ca dao Việt Nam. Hình ảnh bầu, bí đã gắn liền với cuộc sống thường ngày của người Việt từ xưa đến nay. Bầu và bí là thực phẩm rất thân thuộc, thường có mặt trong các bữa cơm gia đình. Hai loại quả khác nhau, khác cây khác giống nhưng sống cùng trên một giàn, chung một khu vườn, một vùng đất. Cây bầu và cây bí luôn hỗ trợ, bảo vệ lẫn nhau để cùng ra hoa kết trái. Khi có mưa giông bão tố bầu bí lại cùng nhau chống chọi để bảo vệ cả giàn. Vì vậy, tuy không cùng một rễ nhưng bầu và bí cùng nhau sống và phát triển, cùng nhau tạo ra những qua tốt nhất cung cấp thực phẩm cho người dân ta.
Hình ảnh bầu bí là hình ảnh ẩn dụ cho con người Việt Nam, nhắc nhở chúng ta về sự đoàn kết dân tộc. Bầu và bí cũng giống như người Việt vậy, tuy không phải máu mủ ruột thịt, không cùng một mẹ sinh ra nhưng cùng chung sống với nhau trong một làng, xã, một đất nước. Cuộc đời họ gắn liền với vận mệnh của đất nước. Nếu giàn đổ thì bầu bí cũng chẳng còn. Nếu nước mất thì toàn dẫn sẽ khổ cực lầm than. Câu ca dao giáo dục chúng ta về sự đoàn kết tương trợ lẫn nhau, luôn luôn thương yêu bảo vệ lẫn nhau bởi tất thảy chúng ta là bạn bè, là hàng xóm, là đồng bào, là anh em chung tổ quốc.
Xem thêm:: Dàn ý phân tích truyện Chiếc thuyền ngoài xa | Văn mẫu 12
Sự đoàn kết là vô cùng quan trọng trong một cộng đồng người bởi nếu có đoàn kết đồng lòng thì đất nước mới vững chắc và phát triển. Đất nước ta đã trải qua bao nhiêu biến cố, bao giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Nhờ có sự đoàn kết cùng với lòng yêu nước và ý chí kiên cường bất khuất, dân ta đã anh dũng đánh đuổi được tất cả bè lũ cướp nước và quân xâm lược. Một dân tộc nhỏ bé nhưng có sự đồng lòng hòa vào làm một của toàn dân đã chiến thắng quân địch. Vũ khí hiện đại phải khuất phục một dân tộc đại đoàn kết. Đó là tiền đề nơi những ý chí kiên cường, những người con yêu nước bất khuất sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc được bồi dưỡng và nuôi lớn. Tuy họ không phải người thân, nhưng những người lính cụ Hồ ấy luôn yêu thương nhau, gắn kết với nhau bởi tình đồng chí và chung một lý tưởng cao cả: bảo vệ Tổ quốc – bảo vệ chiếc “giàn”. Nhờ đó mà ngày nay Việt Nam ta là một đất nước hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc.
Ngày nay thế hệ người dân Việt Nam biết mấy tự hào về truyền thống đoàn kết ấy của dân tộc. Nếu như những câu ca dao khi xưa khuyến khích người Việt đứng lên bảo vệ đất nước cùng đồng đội của mình, là bài ca hùng hồn đi sâu vào khao khát tự do độc lập và cổ vũ tinh thần chiến đấu thì nay những câu ca dao ấy là lời nhắn nhủ về nhân cách con người, về lòng thương người và truyền thống dân tộc. Không khó để ta bắt gặp những câu ca dao mang ý nghĩa tương tự: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng” hay “Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.
Câu ca dao trên đã khắc ghi vào lòng mỗi người Việt như một sự nhắc nhở thân tình về tình đồng bào, đồng chí rằng phải biết “thương lấy” nhau, biết giúp đỡ, đoàn kết và sánh vai nhau cùng vượt qua sóng gió khi đất nước gặp khó khăn. Đồng thời cũng phải khuyến khích nhau đóng góp cho xã hội, cho công cuộc phát triển đất nước trong thời bình. Đó là truyền thống quý báu của người Việt đã, đang và sẽ lưu giữ qua ngàn năm.
Giải thích câu ca dao: Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn – Bài làm 4
Chắc hẳn chúng ta ai cũng từng nghe câu ca dao “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” trong những câu hát ru, những bài dân ca. Đây là lời khuyên bảo của nhân dân rằng giữa con người với nhau cần phải biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau.
Từ câu ca dao chúng ta có thể dễ dàng thấy được nghĩa đen nhờ những hình ảnh quen thuộc. “Bầu” và “bí” là hai loại thực vật tuy khác nhau về lá, hoa quả nhưng có đặc điểm chung đó là cùng họ thân leo ở trên giàn cách với mặt đất. Bầu, bí này khác với loại bầu ngô, dưa hấu bởi cùng là thân leo nhưng hai loại này thường bò ở trên mặt đất. Hai loại bầu và bí cũng thường được nhân dân ta trồng để leo chung trên một giàn. Giàn được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau nhưng có chung đặc điểm là để chống đỡ, làm chỗ dựa, chỗ để leo cho bầu, bí và đều phải có khoảng cách nhất định so với mặt đất để quả của hai cây này buông xuống, treo lủng lẳng trên giàn. Có thể thấy do cả hai cùng sống chung một điều kiện môi trường, cùng có chung điểm tựa nên có khó khăn, mưa nắng gì thì cả hai cùng chịu đựng. Như vậy bầu bí gắn bó với nhau như tình anh em, hai hình ảnh này gần gũi, giản dị được sử dụng để ám chỉ, nhắc nhở con cháu về tình yêu thương giữa đồng loại với nhau.
Trước hết xét ở một phạm vi hẹp thì anh em trong một gia đình, cùng chung huyết thống, cùng chung mái nhà thì cần phải yêu thương, đùm bọc lấy nhau. Đó là lẽ thường tình giống như ong cha ta có câu rằng:
“Anh em như thể tay chân
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần.”
Tuy nhiên câu ca dao không chỉ dừng lại ở nghĩa hẹp trên mà “anh em” còn được mở rộng ra đó là tình cảm bạn bè, đồng nghiệp, giữa hàng xóm láng giềng hay rộng hơn nữa đó là cả cộng đồng dân tộc. Chúng ta cùng sinh ra và lớn lên ở cùng một quê hương, cùng mang quốc tịch Việt Nam và có mối quan hệ mật thiết đến nhau chính vì thế càng cần phải yêu thương, đoàn kết với nhau.
Như chúng ta đã biết truyền thống “yêu thương con người” không còn xa lạ với mỗi chúng ta. Có rất nhiều lời răn dạy mà nhân dân đã gửi gắm để dạy bảo và giữ gìn truyền thống quý báu ấy:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Khi chúng ta sống trong một cộng đồng người có những đặc điểm chung, có mối quan hệ ràng buộc về lợi ích nào đó thì chúng ta phải hành động vì tập thể. Mỗi cá nhân là một mắt xích quan trọng trong sợi dây truyền tập thể vì thế không thể, không nên tách rời tập thể đó. Nếu có sự chia rẽ sẽ không thể tọa thành khối đoàn kết, không tạo thành sức mạnh tập thể được.
Xem thêm:: Văn bản thuyết minh là gì? Yêu cầu khi làm văn bản thuyết minh
Thực tế chứng minh nhân dân ta có một lòng yêu nước nồng nàn và có tinh thần yêu thương, đùm bọc nhau rất cao. Nó được thể hiện rõ nét trong các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, lập lại nền độc lập cho dân tộc. Khi ấy nếu không có tinh thần đoàn tết, tương trợ thì chúng ta sẽ không thể tạo thành khối sức mạnh toàn dân để lật đổ những cường quốc lớn mạnh đang xâm chiếm nước ta. Hay hằng năm nước ta chịu ảnh hưởng của rất nhiều thiên tai, lũ lụt đặc biệt là nhân dân miền Trung. Đứng trước nỗi đau tàn phá của thiên nhiên những người con trên mọi miền Tổ quốc không đứng nhìn khúc ruột miền Trung đang gồng mình chống chọi, chịu đựng mà đã cùng chung tay giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần giúp đồng bào vượt qua khó khăn. Đây là một tinh thần đáng quý, đáng được trân trọng.
Có thể nói rằng yêu thương con người, tinh thần đoàn kết tương trợ không chỉ là điều cần giữa những người quen biết với nhau mà còn đối với cả dân tộc và cả nhân loại. Cuộc sống sẽ tốt đẹp, sẽ văn minh tiến bộ hơn rất nhiều nếu mỗi người đều có tình thương, sự cảm thông và sẻ chia dành cho những người xung quanh ta.
Giải thích câu ca dao: Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn – Bài làm 5
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Câu ca dao là lời răn dạy con người về tình yêu thương đối với đồng loại, với giống nòi của mình dù trong bất cứ thời đại nào. Để nói về tư tưởng này, còn có một câu ca dao khác vẫn được người người truyền dạy cho nhau trong cuộc sống hàng ngày “Bầu ơi thương lấy bí cùng – Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Bầu và bí vốn là một loại rau quả, sản vật đặc trưng của nền ẩm thực Việt Nam. Quả bầu thường dài, thon và trơn láng hơn quả bí. Bí thường có hình dạng ngắn, màu xanh thẫm và cứng hơn bầu. Bầu và bí đều là hai giống cây thân leo, khi trồng người dân thường bắc một chiếc giàn để cây có thể leo lên và phát triển. Về sinh học, giống cây bầu thường dễ sống và phát triển mạnh hơn cây bí nên khi trồng chung giàn cây bầu thường leo mạnh mẽ và chiếm nhiều diện tích hơn.
Câu ca dao vừa giống như lời than thở của cây bí, lại vừa như lời răn dạy của người trồng, tuy bầu và bí là hai giống cây khác nhau nhưng lại cùng sống trên một giàn, cùng phải dựa vào giàn để ngoi lên phát triển vì vậy cây nọ phải biết nhường nhịn, sẻ chia môi trường sống cho cây kia, để cả hai cây cùng có thể lớn lên trên một giàn.
Câu ca dao dựa vào tập tính sinh trưởng của hai loài cây thế nhưng lại là cả một bài học ý nghĩa về sự đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa người với người. Con người cũng vậy, có thể khác nhau về dân tộc, về tôn giáo, giới tính, địa vị xã hội nhưng lại cùng là con người Việt Nam, cùng chung dòng máu đỏ da vàng, vậy thì cần phải biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau, cùng giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn.
Người dân Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước, dù ở những phương trời xa xôi nhưng đều là con cháu vua Hùng, đều là mẹ Âu Cơ trăm trứng đẻ ra, tuy có khác nhau ở nhiều điểm nhưng đây cũng là những con người duy nhất trên thế giới gọi nhau với tên gọi “đồng bào”. Chính vì lẽ đó, con người phải biết đoàn kết, thương yêu nhau, biết chia sẻ ngọt bùi, đồng cam cộng khổ. Tư tưởng ấy còn được nhắc đến trong nhiều câu thành ngữ, tục ngữ khác “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, “Lá lành đùm lá rách”, “Một cây làm chẳng lên non – Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.
Tinh thần đoàn kết tương trợ lẫn nhau được áp dụng trong mọi thời đại, mọi hoàn cảnh, dù là ở đâu nếu con người san sẻ và chung lưng đấu cật thì mọi công to việc lớn đều có thể cùng nhau hoàn thành. Chẳng hạn, một người đào một cái hố có chu vi 1 mét đào mãi không xong, vừa thấy lâu lại vừa thấy mệt. Nhưng cũng như vậy, 5 người đào một cái hố chu vi 5 mét thì chỉ lát là xong, mọi người đều có vẻ nhẹ nhàng hơn. Trong cuộc sống lao động hay trong chiến tranh gian khổ, việc tất cả mọi người cùng chung sức đồng lòng dựng xây đất nước, thì việc thành công ắt sẽ đến.
Nếu con người sống và yêu thương nhau, mọi khó khăn gian khổ đều được san bớt và đỡ đần; như vậy hiệu suất trong mọi công việc không những cao hơn mà trong tim mỗi người còn đầy ắp những tình cảm và lòng yêu thương từ sự đoàn kết của mọi người.
Câu ca dao lấy hình ảnh bình dị, mộc mạc, vô cùng thân thuộc với cuộc sống của người dân nhưng đọc lên lại vô cùng hàm chứa, súc tích những ý nghĩa đầy thâm thúy, sâu lắng, dễ đi vào lòng người đọc và truyền cảm hứng cho mọi người.
Cho đến hôm nay, để dạy dỗ chỉ bảo con cháu trong gia đình hay các cô cậu học trò trên lớp, câu ca dao này vẫn thường xuyên được nhắc đến từ mỗi lời ăn tiếng nói của ông bà cha mẹ và thầy cô khi nhắc nhở con em mình. Tư tưởng đạo lí đáng quý ấy luôn là bài học mẫu mực, là tôn chỉ để mỗi người nhìn vào và điều chỉnh lại hành vi của mình. Biết yêu thương và giúp đỡ đồng loại, cùng nhau tiến lên trong công việc cũng như trong cuộc sống.
Cảm ơn các bạn các bạn vừa đọc xong top những bài làm văn giải thích câu ca dao “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” hay nhất. Chúc các viết cho mình một bài văn giải thích cho câu ca dao thật hay và đạt được kết quả cao.